RSS

Có Một Tiếng Lòng ( Đọc "TIẾNG LÒNG" và "BÓNG THỜI GIAN" – Hai tập thơ của Trần Kim Lan, NXB Văn Học 2010) – Nhà Thơ Quang Hoài

09 Th9

CÓ MỘT TIẾNG LÒNG ( Đọc “TIẾNG LÒNG” và “BÓNG THỜI GIAN” – Hai tập thơ của Trần Kim Lan, NXB Văn học 2010) – Nhà Thơ Quang Hoài:

Bài đăng báo: NGƯỜI HÀ NỘI (phát hành ngày 13-10-2010)

CÓ MỘT TIẾNG LÒNG

Xem tại đây:

– Chớ coi thường khi bị cứng khớp vào buổi sáng 

Open in new windowOpen in new window

“Tự tâm sâu thẳm, bao la sự đời”
(Đọc “Tiếng lòng” và “Bóng thời gian” – Hai tập thơ
của Trần Kim Lan, Nxb. Văn học, 2010)

Nhà thơ Quang Hoài

Tôi đọc được những dòng tiểu sử ngắn ngủi ghi trên bìa gấp cuốn thơ đầu tay của Trần Kim Lan, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đầu năm 2010:

Sinh năm 1952, nơi sinh Thanh Hoá, từ năm 1961 đến năm 1991 sinh sống và dạy học tại Hà Nội, từ năm 1991 đến nay sống tại Cộng hoà Liên bang Đức… Điều làm tôi đặc biệt chú ý là tuổi của Trần Kim Lan lại trùng với tuổi của vợ tôi: tuổi Nhâm Thìn – cái tuổi như mặc định một tâm hồn đa cảm, nhiều ưu tư, giầu lòng trắc ẩn, lúc thăng tưởng như rồng có thể cất cánh nhưng khi giáng có lúc cũng phải nếm trải không ít những nghiệt ngã của cuộc đời. Phải chăng vì thế mà ngay từ câu lục bát đầu tiên trong bài “Tiếng lòng” Trần Kim Lan đã viết: “Tiếng lòng” là tiếng lòng ta/ Tự tâm sâu thẳm, bao la sự đời… Câu thơ đã gây cho tôi một ấn tượng không thể không tập trung đọc hai tập thơ của chị.

Không gì lý thú bằng được tiếp cận và sẻ chia với một tâm hồn qua ngôn từ của thi ca, dù cho cấu tứ, thi pháp và nghệ thuật biểu đạt còn chưa thành thục, đôi khi thô ráp vụng về nhưng đó là sự bộc lộ chân thực những cảm xúc sâu lắng của chủ thể trữ tình đối với con người và cuộc đời mà không người làm thơ nào có thể giấu giếm được. Thơ Trần Kim Lan tạo ra sự chú ý đối với tôi, khiến tôi không thể không viết những dòng này chính là ở sự chân thực ấy – một trong những đặc trưng căn cốt của thi ca, bởi trước hết thi ca không bao giờ chấp nhận sự giả tạo.

Trong “Lời tự sự” viết ở đầu tập thơ “Tiếng lòng”, Trần Kim Lan đã bộc bạch: “Cuộc đời của tôi có những biến động đặc biệt… Tôi đã đi, đã thấy nhiều điều, đặc biệt là những điều bí ẩn trong đêm… Và nhất là, những năm tháng dài xa quê hương, sau hai năm đi làm, do bị bệnh viêm đa khớp, tôi đã phải xin nghỉ việc, từ đó, tôi đã không thể tìm được việc làm nữa! Vì thế, tôi có rất nhiều thời gian… Tôi đã dành thời gian để đọc sách, báo… ý thơ cũng nảy sinh trở lại. Tôi chỉ viết những chuyện đời thường, những cảm xúc của mình về cuộc đời, về nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, về tình bạn, tình yêu”. Như chị tiết lộ, Trần Kim Lan làm thơ từ sau khi nhận được lời “phán truyền” của anh trai một cô bạn cùng phố hồi học phổ thông. Những rung động đầu đời của một thiếu nữ với những khao khát yêu đương giục giã đã xui khiến trái tim non trẻ bật thốt lên những vần thơ. Và thế là những bài thơ tình đầu tiên ra đời. Nhưng rồi, sau một cuộc tình tan vỡ, Trần Kim Lan đã gửi toàn bộ những bài thơ đó trong những cuốn sổ chị đã lặng lẽ ghi chép suốt mấy năm trời cho người yêu và nhờ anh ta “đốt hộ”. Sự “thật thà như đếm” của anh ta đã làm “cả khối tình cảm” đầu đời của chị “theo ngọn lửa, chìm vào quên lãng”. Chị đã nhủ lòng quyết “đoạn tuyệt” với thơ. Nhưng rồi tình yêu lại đến và thơ lại trở về như một duyên nợ, một cứu cánh không thể chối bỏ được. Phải chăng tình yêu còn thì thơ còn, tình yêu ra đi thì thơ cũng lặng lẽ ra đi? Và phải chăng thơ không gì khác chính là tình yêu, là cái từ “Anh” bật thốt từ trái tim một cô gái đang cháy lòng cháy ruột chờ đợi khi thấy người mình yêu đột nhiên xuất hiện sau hàng giờ trễ hẹn, như Xuân Diệu đã từng lý giải? Với Trần Kim Lan, thơ quả là như vậy. Chỉ thế thôi cũng đủ để chúng ta cảm thông với chị, đồng cảm và chia sẻ với những cảm xúc sâu lắng của chị.

Trước hết, qua hai tập thơ “Tiếng lòng” và “Bóng thời gian”, ta thấy thơ Trần Kim Lan là tiếng thơ ẩn chứa rất nhiều tâm sự. Đó là tâm sự của một người con xa đất nước nhưng luôn đau đáu hướng về đất nước thân yêu mà ở đó đã từng khắc ghi bao kỷ niệm đẹp đẽ không bao giờ có thể phai mờ. Tôi nghĩ đó là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất đối với thơ chị. Với Trần Kim Lan, quê hương như một cái gì canh cánh bên lòng, bừng dậy trong tâm thức từ góc khuất sâu thẳm. Đó không chỉ là “chùm khế ngọt”, là “con đò nhỏ”, mà còn là những cái phi vật thể, phi hữu hình, văng vẳng trong hồn không thể phôi phai:

Nhặt khoan, tiếng sáo dặt dìu
Vàng hoe nắng mới, hiu hiu gió hè…

Thơm lừng hoa cỏ đồng quê
Thiết tha tiếng sáo, say mê lòng người!

Một mình, lảnh lót giữa trời
Mênh mang tiếng sáo, vời vời yêu thương!

Với chị, quê hương nằm trong chiều sâu tâm thức đó. ấy là hồn quê, là cái cảm, cái đọng lắng, cái rung động trong tâm hồn. Tình cảm hướng về cố quốc như thế thật sâu sắc biết bao!
Cũng với tình cảm hướng nội đó, với Trần Kim Lan tình quê hương còn khởi nguồn từ tình thương được sinh nở từ những nỗi đau. Chị xót xa trước một cây hoàng lan mới ngày nào hoa “trổ kín từng kẽ lá”, “gió thoảng đưa hương, thơm nồng nàn” mà nay bỗng từ đâu bị “cây sắn quấn ngang lưng” để rồi:

Hoa lan ngợp thở, rồi tắt lịm
Lá úa, cành khô, đứt… giữa chừng!
Lại thêm một cung bậc nữa của tình quê hương, đất nước. Chỉ hai điểm trên đây cũng cho thấy Trần Kim Lan là người trầm ẩn, sâu sắc đến thế nào. Chính vì vậy mà ta cảm nhận được tình cảm chân thành của chị đối với quê hương Thanh Hoá – nơi chôn rau cắt rốn của mình:

Trống Đồng Ngọc Lũ còn vang
Sông Mã uốn khúc, mênh mang ngọt lành…

ở đó có người cha, người mẹ sinh thành ra chị, có chòm xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, có thầy cô thương mến lúc thiếu thời. Với cha, tự đáy lòng, chị bật thốt lên: “Con không được về tiễn cha lần cuối/ Cha ơi! Lòng con biết bao buồn tủi”. Còn với mẹ thì lúc nào chị cũng coi mình là đứa con bé nhỏ dẫu đã “khôn lớn nên người”, và chị luôn luôn cảm thấy: “Mẹ vẫn về bên con/ Ru con từng giấc ngủ/ Nghe như lời nước non/ Dạt dào như sóng vỗ”. Để rồi, chị nhớ tiếc khôn nguôi tài hoa của một nhà thơ quê hương xứ Thanh:

Chiều hoang… biền biệt, người đi
“Đồi hoa sim tím” thầm thì lời thương…

Và phấp phỏng lo âu cho miền Trung bão lũ:

Miền Trung ơi! Phận mỏng manh
Cớ sao giông tố, bão hành hàng năm!
Xa xăm, vời vợi vầng trăng
Dường như… trăng cũng khóc thầm cùng ai…

Đặc biệt, trong thơ Trần Kim Lan còn có một nỗi nhớ sâu đằm đối với Hà Nội, nơi chị đã nhiều năm gắn bó. Càng gần đến Đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi, nỗi nhớ ấy càng được nhân lên. Các bài thơ “Nhớ Hà Nội”, “Hà Nội vào hè”, “Tháp Bút”, “Ngàn năm Thăng Long”… là những bài tiêu biểu thể hiện nỗi nhớ đó.

Có lẽ khởi nguồn từ tình quê hương, đất nước sâu thẳm ấy mà tình đời, tình người ở Trần Kim Lan cũng đầy nhân hậu và nhân văn. Chị bùi ngùi cảm thương cho số phận của cuộc đời người con gái bị lừa lọc:

Sóng đời xô đẩy thân em
Lấy chồng xa xứ, mà lem lấm bùn.

Sở Khanh… chồng cũng một phường
Phận em bèo bọt, canh trường mua vui!

Và đây nữa, tiếng kêu cứu xé ruột của một thai nhi bật thốt lên từ thơ chị:
Mẹ ơi! đừng bỏ con đi
Dù là giọt máu, khác chi con người!

Con mong được ngắm bình minh
Ngắm hoa đồng nội, lung linh nắng vàng!

Niềm khát khao bi thương ấy là một cảnh tỉnh cho những cuộc tình lầm lỗi, chạm tới miền tâm linh sâu thẳm, đánh thức thiên lương.
Cuối cùng là tình yêu. Thơ Trần Kim Lan luôn bừng hé sự vươn tới một tình yêu đích thực. Bài thơ “Tìm nửa của mình” sau đây là một minh chứng:

Người đi tìm nửa của mình
Nửa yêu thương, nửa chung tình lứa đôi!

Người tìm khắp chốn, cùng nơi
Tìm hoài, tìm mãi… hợp rồi… lại tan!

Biển đời vời vợi mênh mang
Nửa mình… còn giữa thế gian… đợi chờ!

Nửa mình ơi, đến bao giờ
Bao giờ hợp lại… để thơ… hết buồn?

Tôi muốn nói với Trần Kim Lan rằng, thơ chẳng bao giờ hết buồn đâu, bởi cái nửa của mình, của tình yêu ấy cứ gần mà xa, cứ xa mà gần, mãi mãi vĩnh hằng như thế. Tôi cầu mong cho thơ Trần Kim Lan ngày càng sâu đằm và cô lắng, chắt lọc hơn, ngày càng “Tự tâm sâu thẳm, bao la sự đời” hơn. Có lẽ nào đó lại không phải là một nguồn hạnh phúc ở cõi đời này!

Q.H.
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

 

Nhãn: , , ,

Bình luận về bài viết này