RSS

Category Archives: Trần Kim Lan tiểu sử tác phẩm

Lời tựa tập thơ: “Khúc hát yêu thương” của Trần Kim Lan (Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo)

Lời tựa tập thơ: “Khúc hát yêu thương” của Trần Kim Lan (Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo)

Lời tựa

(Ảnh bìa: Nguyễn Trọng Tạo)

_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGE

Khi đọc tập thơ “Khúc hát yêu thương” của Trần Kim Lan, tôi chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Yêu và thương, hai đợt sóng dâng trào”. Yêu thương thì ta vẫn thường nói, và ai cũng hiểu, đó là tình cảm của con người với con người, với thiên nhiên và vạn vật quanh ta. Nhưng khi nói “yêu và thương” là tác giả muốn nhấn mạnh các cấp độ tình cảm của mình như những đợt sóng của lòng người; mà đã là sóng thì cùng làm nên sông dài, biển lớn, đó là sông-dài-biển-lớn-yêu-thương!

Trần Kim Lan là một cô giáo, rồi biển đời xô dạt, chị trở thành “người xa xứ” gần nửa đời người. Quê hương và tình yêu luôn réo gọi trong tâm hồn lãng mạn và bay bổng của chị. Và như không có gì chia sẻ với chị bằng việc làm ra những bài thơ để giải tỏa lòng mình. 1200 bài thơ đã được viết ra trong những tháng năm dài xa xứ như một thiên bẩm hơn là lao động chữ. Cảm xúc của chị lúc nào cũng tuôn trào cùng ngòi bút. Tôi có cảm giác mỗi bài thơ được viết ra, chị không cần biết nó là thơ hay không, nhưng điều mà chị biết chắc chắn, đó là tình cảm, là tâm trạng, là suy nghĩ của chính mình với quê hương và tình yêu.

Thơ Trần Kim Lan giản dị như tiếng nói, như hơi thở thường ngày của chị. Có thể nói, chị là người có tâm hồn quá nhạy cảm trước mỗi biến động của đời sống, nên yêu, thương, vui, buồn, cười, khóc luôn vang vọng trong thơ. Cũng có thể nói, chị vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối nên mới tạo ra một hồn thơ như thế, một hồn thơ đa đoan trắc ẩn, lại luôn gần gũi, dịu dàng. Câu thơ “Nước mắt nhiều hơn nước mưa” như một tự bạch về tâm hồn trong sáng và yếu đuối của người thơ.

Có lẽ cũng do tâm hồn quá nhạy cảm, nên chị làm thơ thật nhiều và thật dễ dàng. Chị có thật nhiều ký ức để mỗi khi nhớ về lại rưng rưng cảm động. Chị cũng có thật nhiều tưởng tượng để viết ra những cảnh, những người mình chưa bao giờ gặp gỡ. Chị cũng có một vốn thơ từng đọc/học được để dễ dàng thao tác với nhiều thể thơ truyền thống và tự do quen thuộc một cách nhuần nhuyễn. Đây là thể song thất lục bát, một sự kết hợp rất Việt trong thơ cổ mà thời nay còn ít người làm theo, thỉnh thoảng xuất hiện trong thơ chị:

Đời ơi hỡi sao mang tình đến
Khi tình là ngọn nến, lắt leo
Một cơn gió thổi, tắt vèo
Lửa tình dù bén, cũng theo gió ngàn.

Những câu thơ đọc lên khiến ta nhớ thời “chinh phụ” xa xưa.

Chị cũng viết nhiều bài đường luật và thất ngôn bát cú. Hai loại thơ này đều tám câu bảy chữ, nhưng đường luật yêu cầu cao ở các vế đối phải chuẩn. Vậy mà chị đã viết hàng trăm bài thơ theo thể này với một giọng thơ giàu khí chất, mà lại tự nhiên đến lạ. Ví như bài Canh bạc dưới đây:

Canh bài lừa đảo có gì đâu
Dính phải than ôi chuốc lấy sầu
Khi thắng càng gồng càng tụt dốc
Lúc thua dẫu gắng lại rơi sâu
Cờ gian kim cổ ai không biết
Bạc lận xưa nay kẻ vẫn cầu
Ghán vợ mất con đời rách nát
Thân tàn ma dại sống bao lâu?

Lại có những bài thơ chơi ghép các chữ đầu dòng thành một câu thơ có nghĩa theo kiểu “chơi chữ”, “thả thơ” của người xưa:

Đêm thắp lửa bừng ánh nguyệt quê
Xuân sang nhộn nhịp khách đi về
Đâu hay phố thị thương triền núi
Dễ biết miệt vườn chán nẻo khê
Cầm vọng ngân nga xuyên thẳm thẳm
Lòng vang thánh thót tỏa huê huê
Được vui trảy hội thi ca họa
Chăng hỡi tao nhân nhớ hẹn thề?

Thì ra đọc bài “Đêm xuân” này, người đọc còn có thêm một câu thơ tám chữ gửi gắm đầy ý tứ: “Đêm Xuân Đâu Dễ Cầm Lòng Được Chăng”.

Đọc những lối thơ như thế, lại gặp những từ cổ mà chắc thời nay nhiều người Việt đã quên, ta không thể không ngạc nhiên về chị, một phụ nữ Việt sống ở Đức thời hiện đại lại đeo đẳng hồn dân tộc xa xưa đến vậy.

***

Ấy là vì Trần Kim Lan đeo đẳng một hồn quê. Một hồn quê mộc mạc, chân chất từ thuở ấu thơ. Cái tuổi thơ quê như màu bùn nhuộm chín vải sồi, như màu mực viết vào giấy trắng… thật khó phai nhòa. Hồn quê như đã nhuộm sồng trái tim thiếu nữ. Hồn quê như tình yêu đầu đời nao nao ký ức. Nó theo chị lên Thủ Đô, rồi nó đi cùng chị sang tận trời Âu. Quê với chị như hình với bóng, như bóng với hình. Đôi khi không phân biệt được chị là hình hay quê là hình, chị là bóng hay quê là bóng. Quê với chị khi là cảnh sắc dân giã:

Làng tôi xanh ngát bóng cây
Lũy tre thấp thoáng hây hây gió ngàn
Sáo diều réo rắt ngân vang
Cánh cò chấp chới ríu ran chim trời.

Làng tôi rộn rã tiếng cười
Điệu hò sông Mã vọng lời thương yêu
Thuyền bè xuôi ngược dập dìu
Dòng sông bến nước chiều chiều đông vui.

Quê với chị đôi khi là nỗi lòng người xa xứ:

Mùa xuân đang đến nơi nơi
“Xuân đầu xa xứ, buồn ơi là buồn”
Lệ đâu bỗng chảy trào tuôn
“Sao ta lại phải tha phương, xứ người?”

Và quê với chị là hội hè, là nếp sống, là đạo lý ở đời. Ta gặp trong thơ chị không chỉ một miền quê riêng biệt, mà cùng những con chữ hành hương khắp mọi miền đất nước. Từ sông Mã cao vút điệu hò đến với hội Lim vương vấn câu Quan Họ. Từ xứ Huế mộng mơ đến Đà Lạt ngàn thông lãng mạn. Từ thành phố hoa phượng đỏ, hay di sản thế giới Vịnh Hạ Long đến đất Tổ Hùng Vương xuân về trẩy hội. Từ Hà Nội ngàn năm văn Hiến đến Sài Gòn hòn ngọc Viễn đông… Đâu cảnh cũng đẹp, đâu người cũng xinh, và đâu đâu cũng thương khó, chân tình. Với chị, hồn quê luôn nức nở, sâu xa:

Nước non, non nước, lòng vời vợi
Thăm thẳm trời quê tiếng quốc than.

Đôi lúc đọc thơ Trần Kim Lan, tôi như quên đi chữ nghĩa mà chỉ nghĩ về một tâm hồn. Quả đúng thế. Những câu chuyện tình trong thơ chị cứ làm tôi thương cảm vô cùng. Nếu chữ nghĩa có vụng về đôi chút, thì cái câu chuyện tình ấy nó cứ hiện lên trước mắt ta, bởi nó thật, nó mộng, nó buồn và lắm nỗi đắng cay. Đó là câu chuyện tình có tên “Tình yêu theo suốt đời em”. Một câu chuyện tình bất hạnh từ ngày em tiễn người yêu đi xa, và khi anh trở lại đã biến thành một “người điên” bởi cuộc đời ngang trái. Những câu thơ khởi đầu bằng nhức buốt tận đáy lòng:

Trời ơi! Có thể nào tin
Ngày tiễn anh ra đi, lại là ngày ly biệt
Nụ hôn vội vã trên tầu, lại là mầm gieo xa cách
Tiếng còi tầu giục giã chia tay, lại là tiếng còi báo hiệu đau thương
Anh ơi! Có thể nào tin
“Bài thơ hạnh phúc”, em dành cho ngày cưới, chưa viết nên lời, đã mỗi chữ, mỗi phương…

Câu chuyện tình được tái hiện trong lời thơ tự sự, để cuối cùng được dẫn đến một kết cục bi thảm:

Anh trở về
Nuốt đắng, ngậm cay
Vì họ đã biến anh
“Đẹp trai, tài giỏi”
Thành một người điên
(Ai nghe người điên?)

Câu “Ai nghe người điên?” nghe xót đắng, nghẹn ngào. Đó là cái kết cục không sao giải thích được, đó phải chăng là “định mệnh” của mối tình tan nát? Và cái mối tình tan nát ấy cứ đeo đuổi mãi trong thơ chị.

Lá xanh mang nhung nhớ
Vàng non gợi thương sầu
Hoe hoe mầu lỡ hẹn
Úa vàng khi buồn nhau

Cánh lá kia mắc cạn
Sắc vàng ươm thu rơi
Mình xa nhau, xa mãi
Mùa thu xẻ thành đôi

Có thể tôi chưa hình dung được “hoe hoe mầu lỡ hẹn” là cái mầu gì, nhưng chắc chắn đó là cái mầu được tác giả nhìn qua nước mắt. Cho đến gần đây, hình ảnh người yêu thời trẻ vẫn còn khắc khoải trong “Chiều buồn” một mình dọc những phố cũ, đường xưa:

Chiều hoàng hôn buồn, lang thang trên phố
Mưa lất phất bay, hay lệ trào rơi
Mỗi bước chân qua, nghe lòng thổn thức
Có thấu hay chăng hỡi người yêu ơi?

***

Tôi không nghĩ Trần Kim Lan là một “nhà thơ chuyên nghiệp”, dù chị làm nhiều thơ, và thơ chị nhiều bài trôi chảy với nhịp điệu truyền thống mộc mạc, chân thành, và lắm lúc chạm đến những triết lý về đạo đức và văn hóa sống. Nhưng thưởng thức cái khối lượng thơ trên cả nghìn bài chị gửi, tôi cũng kịp nhận ra một tâm hồn giàu yêu thương và trắc ẩn. Tâm hồn cần được giãi bày, chia sẻ. Bởi chính chị cũng luôn tâm niệm sẻ chia với kẻ sĩ, văn nhân, những số phận ít may mắn trong cuộc sống:

Đời người là những thương đau
Văn nhân, kẻ sĩ… khác đâu phận Kiều

Sự sẻ chia ấy, với người mà cũng là với mình. Vì thế mà ta thấy thơ chị thật gần, thật tâm tình, đúng như ước muốn sẻ chia của chị:

Thơ tôi rải khắp bốn phương
Kiếp nghèo, khốn khổ, buồn thương đời này.
Thơ tôi thả khắp trời mây
Có ai nhặt được, ai say thơ mình
Ai cho tôi một chút tình
Một lời thương mến, tự tim chân thành?

Và những lời tôi viết về chị, cũng chỉ xin được là những lời sẻ chia “tự tim chân thành” cùng người thơ xa xứ.

Hà Nội, Thu, 2012

Nguyễn Trọng Tạo

Thay lời cảm ơn
(Gửi người thiết kế bìa: Nguyễn Trọng Tạo)
_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGE

“Khúc hát yêu thương” cầm tay
Sao cay khóe mắt sao say say lòng
Nhờ mây gửi gió cành hồng
Tặng “người thiết kế” – cảm ơn thay lời!

16.11.2012/Trần Kim Lan

_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGE

(Ghi chú: Tập thơ Khúc hát yêu thương – Trần Kim Lan (chọn lọc, ba trong một: Khúc hát yêu thương (100 bài) – Trăn trở (129 bài) – Tình người viễn xứ (thơ Đường luật – 120 bài) – Phụ lục thơ phổ nhạc (21 bài thơ và nhạc) – sách dày 500 trang, bìa cứng.
Nhà xuất bản Hội nhà văn – Hà Nội – Phát hành 9-2012.
Bạn đọc yêu thơ có thể tìm đọc tại các thư viện và các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.)
 

 

Nhãn:

Có Một Tiếng Lòng ( Đọc "TIẾNG LÒNG" và "BÓNG THỜI GIAN" – Hai tập thơ của Trần Kim Lan, NXB Văn Học 2010) – Nhà Thơ Quang Hoài

CÓ MỘT TIẾNG LÒNG ( Đọc “TIẾNG LÒNG” và “BÓNG THỜI GIAN” – Hai tập thơ của Trần Kim Lan, NXB Văn học 2010) – Nhà Thơ Quang Hoài:

Bài đăng báo: NGƯỜI HÀ NỘI (phát hành ngày 13-10-2010)

CÓ MỘT TIẾNG LÒNG

Xem tại đây:

– Chớ coi thường khi bị cứng khớp vào buổi sáng 

Open in new windowOpen in new window

“Tự tâm sâu thẳm, bao la sự đời”
(Đọc “Tiếng lòng” và “Bóng thời gian” – Hai tập thơ
của Trần Kim Lan, Nxb. Văn học, 2010)

Nhà thơ Quang Hoài

Tôi đọc được những dòng tiểu sử ngắn ngủi ghi trên bìa gấp cuốn thơ đầu tay của Trần Kim Lan, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đầu năm 2010:

Sinh năm 1952, nơi sinh Thanh Hoá, từ năm 1961 đến năm 1991 sinh sống và dạy học tại Hà Nội, từ năm 1991 đến nay sống tại Cộng hoà Liên bang Đức… Điều làm tôi đặc biệt chú ý là tuổi của Trần Kim Lan lại trùng với tuổi của vợ tôi: tuổi Nhâm Thìn – cái tuổi như mặc định một tâm hồn đa cảm, nhiều ưu tư, giầu lòng trắc ẩn, lúc thăng tưởng như rồng có thể cất cánh nhưng khi giáng có lúc cũng phải nếm trải không ít những nghiệt ngã của cuộc đời. Phải chăng vì thế mà ngay từ câu lục bát đầu tiên trong bài “Tiếng lòng” Trần Kim Lan đã viết: “Tiếng lòng” là tiếng lòng ta/ Tự tâm sâu thẳm, bao la sự đời… Câu thơ đã gây cho tôi một ấn tượng không thể không tập trung đọc hai tập thơ của chị.

Không gì lý thú bằng được tiếp cận và sẻ chia với một tâm hồn qua ngôn từ của thi ca, dù cho cấu tứ, thi pháp và nghệ thuật biểu đạt còn chưa thành thục, đôi khi thô ráp vụng về nhưng đó là sự bộc lộ chân thực những cảm xúc sâu lắng của chủ thể trữ tình đối với con người và cuộc đời mà không người làm thơ nào có thể giấu giếm được. Thơ Trần Kim Lan tạo ra sự chú ý đối với tôi, khiến tôi không thể không viết những dòng này chính là ở sự chân thực ấy – một trong những đặc trưng căn cốt của thi ca, bởi trước hết thi ca không bao giờ chấp nhận sự giả tạo.

Trong “Lời tự sự” viết ở đầu tập thơ “Tiếng lòng”, Trần Kim Lan đã bộc bạch: “Cuộc đời của tôi có những biến động đặc biệt… Tôi đã đi, đã thấy nhiều điều, đặc biệt là những điều bí ẩn trong đêm… Và nhất là, những năm tháng dài xa quê hương, sau hai năm đi làm, do bị bệnh viêm đa khớp, tôi đã phải xin nghỉ việc, từ đó, tôi đã không thể tìm được việc làm nữa! Vì thế, tôi có rất nhiều thời gian… Tôi đã dành thời gian để đọc sách, báo… ý thơ cũng nảy sinh trở lại. Tôi chỉ viết những chuyện đời thường, những cảm xúc của mình về cuộc đời, về nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, về tình bạn, tình yêu”. Như chị tiết lộ, Trần Kim Lan làm thơ từ sau khi nhận được lời “phán truyền” của anh trai một cô bạn cùng phố hồi học phổ thông. Những rung động đầu đời của một thiếu nữ với những khao khát yêu đương giục giã đã xui khiến trái tim non trẻ bật thốt lên những vần thơ. Và thế là những bài thơ tình đầu tiên ra đời. Nhưng rồi, sau một cuộc tình tan vỡ, Trần Kim Lan đã gửi toàn bộ những bài thơ đó trong những cuốn sổ chị đã lặng lẽ ghi chép suốt mấy năm trời cho người yêu và nhờ anh ta “đốt hộ”. Sự “thật thà như đếm” của anh ta đã làm “cả khối tình cảm” đầu đời của chị “theo ngọn lửa, chìm vào quên lãng”. Chị đã nhủ lòng quyết “đoạn tuyệt” với thơ. Nhưng rồi tình yêu lại đến và thơ lại trở về như một duyên nợ, một cứu cánh không thể chối bỏ được. Phải chăng tình yêu còn thì thơ còn, tình yêu ra đi thì thơ cũng lặng lẽ ra đi? Và phải chăng thơ không gì khác chính là tình yêu, là cái từ “Anh” bật thốt từ trái tim một cô gái đang cháy lòng cháy ruột chờ đợi khi thấy người mình yêu đột nhiên xuất hiện sau hàng giờ trễ hẹn, như Xuân Diệu đã từng lý giải? Với Trần Kim Lan, thơ quả là như vậy. Chỉ thế thôi cũng đủ để chúng ta cảm thông với chị, đồng cảm và chia sẻ với những cảm xúc sâu lắng của chị.

Trước hết, qua hai tập thơ “Tiếng lòng” và “Bóng thời gian”, ta thấy thơ Trần Kim Lan là tiếng thơ ẩn chứa rất nhiều tâm sự. Đó là tâm sự của một người con xa đất nước nhưng luôn đau đáu hướng về đất nước thân yêu mà ở đó đã từng khắc ghi bao kỷ niệm đẹp đẽ không bao giờ có thể phai mờ. Tôi nghĩ đó là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất đối với thơ chị. Với Trần Kim Lan, quê hương như một cái gì canh cánh bên lòng, bừng dậy trong tâm thức từ góc khuất sâu thẳm. Đó không chỉ là “chùm khế ngọt”, là “con đò nhỏ”, mà còn là những cái phi vật thể, phi hữu hình, văng vẳng trong hồn không thể phôi phai:

Nhặt khoan, tiếng sáo dặt dìu
Vàng hoe nắng mới, hiu hiu gió hè…

Thơm lừng hoa cỏ đồng quê
Thiết tha tiếng sáo, say mê lòng người!

Một mình, lảnh lót giữa trời
Mênh mang tiếng sáo, vời vời yêu thương!

Với chị, quê hương nằm trong chiều sâu tâm thức đó. ấy là hồn quê, là cái cảm, cái đọng lắng, cái rung động trong tâm hồn. Tình cảm hướng về cố quốc như thế thật sâu sắc biết bao!
Cũng với tình cảm hướng nội đó, với Trần Kim Lan tình quê hương còn khởi nguồn từ tình thương được sinh nở từ những nỗi đau. Chị xót xa trước một cây hoàng lan mới ngày nào hoa “trổ kín từng kẽ lá”, “gió thoảng đưa hương, thơm nồng nàn” mà nay bỗng từ đâu bị “cây sắn quấn ngang lưng” để rồi:

Hoa lan ngợp thở, rồi tắt lịm
Lá úa, cành khô, đứt… giữa chừng!
Lại thêm một cung bậc nữa của tình quê hương, đất nước. Chỉ hai điểm trên đây cũng cho thấy Trần Kim Lan là người trầm ẩn, sâu sắc đến thế nào. Chính vì vậy mà ta cảm nhận được tình cảm chân thành của chị đối với quê hương Thanh Hoá – nơi chôn rau cắt rốn của mình:

Trống Đồng Ngọc Lũ còn vang
Sông Mã uốn khúc, mênh mang ngọt lành…

ở đó có người cha, người mẹ sinh thành ra chị, có chòm xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, có thầy cô thương mến lúc thiếu thời. Với cha, tự đáy lòng, chị bật thốt lên: “Con không được về tiễn cha lần cuối/ Cha ơi! Lòng con biết bao buồn tủi”. Còn với mẹ thì lúc nào chị cũng coi mình là đứa con bé nhỏ dẫu đã “khôn lớn nên người”, và chị luôn luôn cảm thấy: “Mẹ vẫn về bên con/ Ru con từng giấc ngủ/ Nghe như lời nước non/ Dạt dào như sóng vỗ”. Để rồi, chị nhớ tiếc khôn nguôi tài hoa của một nhà thơ quê hương xứ Thanh:

Chiều hoang… biền biệt, người đi
“Đồi hoa sim tím” thầm thì lời thương…

Và phấp phỏng lo âu cho miền Trung bão lũ:

Miền Trung ơi! Phận mỏng manh
Cớ sao giông tố, bão hành hàng năm!
Xa xăm, vời vợi vầng trăng
Dường như… trăng cũng khóc thầm cùng ai…

Đặc biệt, trong thơ Trần Kim Lan còn có một nỗi nhớ sâu đằm đối với Hà Nội, nơi chị đã nhiều năm gắn bó. Càng gần đến Đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi, nỗi nhớ ấy càng được nhân lên. Các bài thơ “Nhớ Hà Nội”, “Hà Nội vào hè”, “Tháp Bút”, “Ngàn năm Thăng Long”… là những bài tiêu biểu thể hiện nỗi nhớ đó.

Có lẽ khởi nguồn từ tình quê hương, đất nước sâu thẳm ấy mà tình đời, tình người ở Trần Kim Lan cũng đầy nhân hậu và nhân văn. Chị bùi ngùi cảm thương cho số phận của cuộc đời người con gái bị lừa lọc:

Sóng đời xô đẩy thân em
Lấy chồng xa xứ, mà lem lấm bùn.

Sở Khanh… chồng cũng một phường
Phận em bèo bọt, canh trường mua vui!

Và đây nữa, tiếng kêu cứu xé ruột của một thai nhi bật thốt lên từ thơ chị:
Mẹ ơi! đừng bỏ con đi
Dù là giọt máu, khác chi con người!

Con mong được ngắm bình minh
Ngắm hoa đồng nội, lung linh nắng vàng!

Niềm khát khao bi thương ấy là một cảnh tỉnh cho những cuộc tình lầm lỗi, chạm tới miền tâm linh sâu thẳm, đánh thức thiên lương.
Cuối cùng là tình yêu. Thơ Trần Kim Lan luôn bừng hé sự vươn tới một tình yêu đích thực. Bài thơ “Tìm nửa của mình” sau đây là một minh chứng:

Người đi tìm nửa của mình
Nửa yêu thương, nửa chung tình lứa đôi!

Người tìm khắp chốn, cùng nơi
Tìm hoài, tìm mãi… hợp rồi… lại tan!

Biển đời vời vợi mênh mang
Nửa mình… còn giữa thế gian… đợi chờ!

Nửa mình ơi, đến bao giờ
Bao giờ hợp lại… để thơ… hết buồn?

Tôi muốn nói với Trần Kim Lan rằng, thơ chẳng bao giờ hết buồn đâu, bởi cái nửa của mình, của tình yêu ấy cứ gần mà xa, cứ xa mà gần, mãi mãi vĩnh hằng như thế. Tôi cầu mong cho thơ Trần Kim Lan ngày càng sâu đằm và cô lắng, chắt lọc hơn, ngày càng “Tự tâm sâu thẳm, bao la sự đời” hơn. Có lẽ nào đó lại không phải là một nguồn hạnh phúc ở cõi đời này!

Q.H.
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

 

Nhãn: , , ,

Trần Kim Lan: Tiểu Sử, Tác Phẩm:

Trần Kim Lan: Tiểu Sử, Tác Phẩm:

Tiểu sử

_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGE

Tự họa
(Trần Kim Lan 1.1.1952)

Kim Lan Trần Thị kiếp tha phương
“Thi sĩ“ danh xưng để thế thường
Lận đận quê người gieo biển nhớ
Long đong đất khách gửi sông buồn
Thánh kinh mải miết khơi tin kính
Thơ phú say mê tỏa nghĩa thương
Bạc phận hồng nhan Trời đã định
Tình nồng khắc khoải trải dòng Tương.

(8-4-2011/Trần Kim Lan)
(Bài thơ cuối cùng trong tập thơ tựa đề: “Tình người viễn xứ” (thơ Đường luật- đã in trong tập thơ: Khúc hát yêu thương (thơ chọn lọc XB-2012)

Tác giả Trần Kim Lan sinh ngày: 01-01-1952
– Nơi sinh: Thanh Hóa.
– Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội Khoa Văn (Hệ Chuyên Tu 1978-1981).

– Từ nhỏ đến 1991: Sinh sống, học tập, và dạy học tại Hà Nội
– Từ 1991 đến nay (2009): Sinh sống tại Đức.

Tác phẩm:
Đã xuất bản:

– Tiếng Lòng: Thơ
(1-2010/Nhà Xuất Bản Văn Học
18 Nguyễn Trường Tộ – Hà Nội – Việt Nam)

– Bóng Thời Gian: Thơ
(8-2010/Nhà Xuất Bản Văn Học
18 Nguyễn Trường Tộ – Hà Nội – Việt Nam)
– Khúc hát yêu thương (Thơ chọn lọc: ba trong một/9-2012/Nhà xuất bản Hội nhà văn – Hà Nội Việt Nam)

Sắp xuất bản:

– Chặng Đường Dân Chúa (Lược Trình KTCƯ Và KTTƯ): Thơ và: – Đường Đến Nước Trời: Thơ
– Cuối nẻo dương trần: Thơ
– Đời Tôi: Truyện Ký
– Đời Thường: Tập Truyện Ngắn.

Ghi chú: Bạn đọc yêu thơ có thể tìm đọc tập thơ: BÓNG THỜI GIAN – KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG tại các thư viện hành chính và tại các thư viện trường Đại học, Cao đẳng trong toàn quốc tại Việt Nam.

Xin tham khảo thêm về Tác Giả qua: Chuyên Mục: Hình Ảnh, Tùy Bút (Tâm sự: Vì Sao Tôi Nghiên Cứu Kinh Thánh Và Chuyển Thành Thơ?), Video Clip (Clip Thành Viên) và:
– Trần Kim Lan Blogspot
– Trần Kim Lan WordPress
– Trần Kim Lan youtube
– Trần Kim Lan Facebook

Nước Đức ngày 04-04-2009

Trần kim Lan


 

Nhãn: , , , , , ,