RSS

Luận bàn “Qua đèo Ngang“

19 Th11

 

1-Luận bàn “Qua đèo Ngang“

Bà huyện Thanh Quan dẫu ở xa

Mau về dương thế giúp ngay nha

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ (?) (rợ?) mấy nhà“ (1)

Anh quyết “rợ“ thì như mọi rợ

Chị rằng “rợ“ bởi túp lều ra

Chẳng hay sai đúng là đâu tá

Chấm dứt luận bàn chỉ có bà!

Ghi chú (1): Câu trích trong bài “Qua đèo Ngang“ – TG: Bà huyện Thanh Quan.

3.11.2011/Trần Kim Lan

2-Hỏi bà huyện Thanh Quan

(Họa bài: Hỏi bà huyện Thanh Quan – TG: Hồ Văn Thiện)

Đèo ngang bà tới lúc chiều tà

Có phải hay chăng giữa cỏ hoa                                                   

“Dưới núi lom khom tiều mấy chú

Bên sông lác đác rợ (?) (chợ?) vài nhà“ (1)

Văn đàn tranh cãi xôn xao nước

Báo chí luận bàn náo nhiệt gia

Tóe lửa ngôn từ nay vẫn thế

Suối vàng nữ sĩ thấu không ta?

Nguyên tác: “Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ (?) (rợ?) mấy nhà“ (Trích bài: Qua đèo Ngang– TG: Bà huyện Thanh Quan)

3.11.2011/Trần Kim Lan

3- Một số suy nghĩ về bài “Qua đèo Ngang“ của bà huyện Thanh Quan

Đây là một bài thơ giá trị về nghệ thuật lẫn nội dung, tư tưởng, chính vì thế mà bài thơ đã được đưa vào giảng dạy tại học đường.

Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên suy nghĩ của mình về hai câu:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông (chợ?) (rơ?) mấy nhà“ (Qua đèo Ngang)

Diễn giải ý: Khi tới đèo Ngang bà huyện nhìn thấy: Dưới núi có vài chú tiều đang cúi lom khom (đang làm việc).
Và: Bên sông có rải rác mấy cái nhà, chợ? (nếu là chợ)
Và: Bên sông có rải rác vài nhà rợ (nếu là rợ)

Theo tôi nghĩ từ “chợ“ như lâu nay sách giáo khoa in ấn khó chấp nhận, vì sao?
“tiều vài chú“ –  (vài chú tiều phu), nữ sĩ dùng biện pháp đảo từ: vì đây là thơ, nên biện pháp đảo từ thường gặp, nếu viết văn thì là vài người tiều phu. “Tiều vài chú“, chỉ mấy người ở dưới núi là những người nào? Tiều phu.
Vậy thì: chợ mấy nhà – là vế đối với tiều vài chú (đảo từ)
Vậy chợ mấy nhà ý nghĩa là gì? Có phải bà huyện muốn nói là: ở bên sông có mấy nhà chợ? Vì để đối ý với tiều vài chú?
Tôi nghĩ, chắc chắn, bà huyện không viết như thế, vì không hợp ngữ cảnh và nếu hiểu là mấy nhà và chợ thì vế câu không đối với tiều vài chú. Nữ sĩ Là một trong những người làm thơ Đường luật rất đúng niêm luật, rất chuẩn xác về đối ý, đối từ…
Bây giờ xét đến khả năng có thể là từ “rợ“ hay không và hiểu nghĩa của từ rợ thế nào là chính xác (không cần phải đi khảo sát địa phương).

“Rợ mấy nhà“, để đối với câu trên, thì rợ mấy nhà là đảo từ: mấy nhà rợ (chỉ sự sở hữu) mấy nhà của người rợ, nếu hiểu ra là như thế. Còn “tiều vài chú“, chỉ nghề nghiệp (tính chất). Vậy có thể đối với nhau không? Theo tôi thì không và như vậy, không phải nghĩa của từ rợ là “mọi rợ“. Rợ mấy nhà, chỉ mấy cái nhà ấy làm bằng gì (nhà mái tranh, rạ…). Chắc là nhà (chòi, điếm, nơi nghỉ ngơi, trú chân) của mấy chú tiều. Có thể từ “rợ“ là từ “rạ“ chăng, theo cách nói, đọc của người địa phương? Rạ mấy nhà (đảo từ)  hay là mấy nhà rạ, thì vế đối “tiều vài chú“ có thể chấp nhận được chăng? Bà huyện Thanh Quan, tuy chỉ còn lại rất ít bài thơ, nhưng đều là nhưng bài thơ rất xuất sắc và ngụ ý sâu sa, dùng nhiều điển tích, để nói lên tâm trạng, suy tư… Lại càng không thể dùng từ “rợ“ để chỉ mấy người thiểu số được, theo tôi  nghĩ.
 Khi học trong nhà trường, thì thầy cô dạy thế nào, biết thế ấy thôi, lúc đó, cũng chỉ hiểu những nét cơ bản về thơ Đường luật thôi. Rồi sau này, khi tôi làm nghề dạy học, bình giảng về bài thơ này, tôi cũng chỉ lặp lại những gì mà thầy cô trong trường đã giảng dạy cho tôi và tôi không thấy được những gì mà tôi đã viết ở trên. Phải, có lẽ, chỉ tới giờ đây , khi tôi tự mình viết những bài thơ Đường luật, tôi mới rõ hơn về niêm luật của thơ Đường luật mà một người viết phải tuân thủ.

Nay tình cờ đọc được sự tranh luận về bài thơ này trên mạng ảo, tôi mới biết có cuộc tranh luận “nảy lửa“ về hai từ “chợ“ hay “rợ“. Có người vẫn cho từ “chợ“ là chính xác, người lại cho từ “rợ“ nghĩa là “mọi rợ“. Tất cả chỉ là do sao chép, do có thể hiểu sai ý của Tác giả mà làm giảm giá trị của bài thơ, mà theo tôi, đó là một bài thơ hoàn mỹ cả về nội dung, lẫn nghệ thuật, nếu đó là cụm từ “rạ mấy nhà“. đối với “tiều vài chú“. tại sao không? Bà huyện chỉ thoáng nhìn thấy mấy mái nhà lợp rạ, vài chú tiều… và bà ghi lại cảm xúc của mình…

 Mong rằng, các nhà nghiên cứu sẽ sớm xem xét lại nguồn gốc và bản viết chính xác của bài thơ “Qua đèo Ngang“, để trả bài thơ về giá trị đích thực, như Tác giả đã để tâm huyết vào đó.

Mong lắm thay!

3.11.2011/Trần Kim Lan


 
7 bình luận

Posted by trên 19.11.2011 in Thơ Đường Luật

 

Nhãn: , ,

7 responses to “Luận bàn “Qua đèo Ngang“

  1. Hung Viet

    02.06.2019 at 5:48 chiều

    Trong Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 767, ngày 1/12/2011, tôi đã lý giải khá cặn kẽ vấn đề này rồi đó. Lý giải cả về kết cấu từ, phép đối lẫn thực tế cuộc sống. “Rợ” chứ không phải “chợ”. Chỉ Giáo sư Dương Quảng Hàm là chép đúng từ này trong “Việt Nam văn học sử yếu”.
    “Rợ” ở đây là chỉ dân tộc thiểu số hoặc người dân ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Thời đó, vị thế quí tộc đã khiến bà Huyện nhìn họ với con mắt như thế (là lẽ thường, đừng trách bà). Mọi sự suy đoán là “vạn” hay “rớ” thay cho “rợ” đều không hợp. “Vài chú tiều” kia chính là chủ nhân của mấy cái nhà đó mà thôi, vì không ai ở mãi xa vào chốn này kiếm củi cả. Ở cái xứ núi rừng xa xôi hẻo lánh ấy thì làm gì có chợ, đó chỉ là mấy căn nhà lèo tèo của vạn chài (hội tụ). Lác đác = rải rác, rải ra chỗ này một cái, chỗ kia một cái. Vậy thì làm sao bảo đó là chợ được, và làm sao bà Huyện đứng mãi trên đèo cao đoán quyết được đó là chợ? Chợ thì chỉ có lều, miền núi càng là lều. Nếu nói “chợ mấy lều” thì ok, chợ! Nhưng đây là nhà! Nhà dân rợ!
    Bà Huyện trên đường từ Hà Tĩnh “bước tới đèo Ngang”, và “dừng chân đứng lại” sau một hành trình đầy mệt mỏi, nhìn cảnh vật thấy hoàn toàn mới lạ, biển trời choáng ngợp, chưa một lần nhìn thấy, tức là bà chưa một lần đi qua đây; và con sông đó phải trong tầm nhìn của bà để bà có thể quan sát thấy “mấy nhà (dân) rợ lác đác ven sông”. Vậy thì con sông mà bà Huyện nhắc tới nhiều khả năng là Khe Con bò hoặc sông Đuộc ở bên phía Hà Tĩnh. Con sông Đuộc thì không rõ ở toạ độ nào vì đã bị lấp đầy mất tiêu rồi. Khe Con bò thì vẫn còn đó, nằm gần chân đèo Ngang.
    Vài dòng với bạn để góp thêm cách hiểu về một kiệt tác thi ca VN.

     
  2. Ẩn danh

    15.02.2015 at 7:43 chiều

    Vâng, ” Rợ mấy nhà” là chính xác như phân tích ở trên. ” Rợ ” ở đây theo người bản địa ở đèo ngang là ” dợ” hay ta thường gọi là dây, rợ (dây) là cây day leo ở núi người địa phương cắt về cột vào cây gỗ và dựng lên ngôi nhà giống như ta đi cắm trại.đây chính là đặc điểm bản địa người vùng này thời bấy giờ (do đèo ngang vừa sát biển lại vừa sát núi)

     
  3. Trần Kim Lan

    29.07.2012 at 4:51 chiều

    @hatrang
    Tôi đã tìm bài mà hatrang giới thiệu, nhưng không tìm thấy ở TCKT và gõ Goole cũng không ra bài này. Hatrang có thể sao lại bài viết này và gửi lại vào cảm nhận của Blog TKL được không? Cảm ơn hatrang. Chúc hatrang vui khỏe!

     
  4. Hạ Trắng

    27.07.2012 at 9:29 chiều

    Đã có câu trả lời rõ ràng rồi đấy. Bạn tìm đọc bài “BÀ HUYỆN THANH QUAN ĐÃ DÙNG CHỮ GÌ ?”
    trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 767 ra ngày 1/12/2011 sẽ rõ.
    Câu trả lời là : chữ RỢ !
    Bài viết của Đào Việt Hùng có sự nghiên cứu công phu và nhiều lập luận chặt chẽ, thuyết phục, thậm chí còn cho ta biết con sông đó tên là sông Đuộc, điều mà mọi người băn khoăn hoài là sông Ròon thì có vẻ như xa và không hợp.

     
    • Trần Kim Lan

      27.07.2012 at 11:07 chiều

      @hatrang
      Cảm ơn hatrang ghé thăm nhà và báo tin. Tôi sẽ ghé qua đọc bài. Chúc hatrang vui khỏe!

       
  5. download immortals filesonic

    13.11.2011 at 5:17 chiều

    I like this very much, i will share it to my frens

     
  6. download immortals fileserve

    13.11.2011 at 5:17 chiều

    I love your site very much, thank you for sharing such usefull information i just bookmark your site i definitely will visit again 🙂

     

Bình luận về bài viết này