RSS

Monthly Archives: Tháng Tám 2012

Đấu tố… thơ

Đấu tố… thơ

_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGE

Xem tại đây:
– Nhà thơ gặp rắc rối vì… thơ
– Nhãn tiền (Thơ họa-TKL)
– Thơ “nhập đồng”

Chuyện lạ Đồng Nai… đấu tố… thơ
Đàm Chu (1)… bị hạch hỏi bơ phờ
“Nhân văn giai phẩm” (2)… còng xưa tới
Lời những cây dầu (3)… xích mới chờ
Kẻ sĩ tù giam oan chửa hết
Thi đàn ngục thất khổ chưa mờ
Vết hằn lịch sử sao không ngẫm
Cạn nghĩ cạn tình… để tiếng nhơ.

26.8.2012/Trần Kim Lan

Ghi chú (1): Đàm Chu Văn

(2): Thời “Nhân văn giai phẩm”
(3): Tên bài thơ: Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân (Đàm Chu Văn)

 

Nhãn: , ,

Nhãn tiền

Nhãn tiền

(Họa bài: Nhà thơ lên đồng – TG: Hồ Văn Thiện)

 

 

 

“Thi vân Yên Tử“ xuất thần thiền

Lòe bịp ơn trên thảo bút tiên

Bát cú mượn vay sai thể luật

Tám câu chắp nhặt hỏng Đường niêm

Ngỡ nhờ hội thảo vinh  muôn thuở

Nào biết lăng xê nhục nhãn tiền

Ngẫm sự Trần Nhân Tông ngán ngẩm

“Dối lừa sao đoạt giải Nô-Ben?“

 

24.8.2012/Trần Kim Lan

Nhà thơ lên đồng

 

Tiến sĩ đạo thơ tả cảnh thiền

Khoe rằng nhập mộng của thần tiên

Văn phong chữ nghĩa xáo xào mượn

Đường luật trắc bằng lộn xị niêm

Hàng dỡm bốc thơm thành kiệt tác

Truyền thông lăng xẹt hóa kim tiền

Yếu nhân lú lẫn hùa theo đóm

Hội thảo om xòm giật giải Ben

 

21-8-2012/Hồ Văn Thiện

 

Nhãn: , ,

Nhà thơ gặp rắc rối vì… thơ

Nhà thơ gặp rắc rối vì… thơ

 

TT – Một cuộc họp khá bất thường với nội dung đối thoại giữa tác giả bài thơ và những người có quan tâm tới bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân đã diễn ra chiều 13-8 tại Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo (Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai, TP Biên Hòa).

 

Tác giả bài thơ là Ðàm Chu Văn – chuyên viên cao cấp Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai kiêm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Ðồng Nai, tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Ðồng Nai, còn những người quan tâm tới bài thơ là ông Huỳnh Văn Tới (trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai, chủ trì cuộc đối thoại) cùng các lãnh đạo Hội VHNT Ðồng Nai, NXB Ðồng Nai, nhà văn Trần Thu Hằng (tham dự với tư cách phóng viên báo Lao Ðộng Ðồng Nai)…

Bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của nhà thơ Ðàm Chu Văn đã từng đăng trên báo Văn Nghệ cách đây một năm (số 16, ngày 16-4-2011). Nhưng mới đây (ngày 2-7-2012) nhà văn trẻ Trần Thu Hằng đã gửi đến Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai một lá thư gọi là góp ý kiến (về việc phê bình tư tưởng và việc làm của đảng viên), trong đó có đoạn: Cảm nhận ban đầu của tôi là bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện… Bên cạnh thư góp ý kiến, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai còn nhận được một thư kiến nghị nặc danh xung quanh bài thơ này.

Trước sự việc như vậy, ngày 10-7-2012 Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai đã có văn bản đề nghị chủ tịch Hội VHNT Ðồng Nai giao cho bộ phận lý luận phê bình thẩm định về chuyên môn. Nhưng Hội VHNT Ðồng Nai đã không thực hiện được với lý do: Hội VHNT Ðồng Nai không thành lập được bộ phận lý luận phê bình.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hội VHNT Ðồng Nai, nhân lớp tập huấn công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật (diễn ra từ ngày 10 đến 13-7-2012 tại TP Biên Hòa), ông Nguyễn Khánh Hòa – chủ tịch Hội VHNT Ðồng Nai – đã tranh thủ lấy ý kiến của ông Nguyễn Hồng Vinh (chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn VN- báo TT viết sai, ông Hồng Vinh là Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương). Ông Nguyễn Hồng Vinh sau khi đọc bài thơ và tham khảo đồng nghiệp đã nêu ý kiến: Ý chính của bài thơ lấy hình tượng những cây dầu cổ thụ để ví với nhân dân bao đời, đây là một bài thơ có tứ tốt, nhưng đôi chỗ còn hạn chế như cách đặt tên bài, cách diễn đạt chùm câu cuối, và vài chỗ trong bài dễ khiến người đọc hiểu theo hướng không có lợi…

Gần đây nhất, ngày 8-8, nhà thơ Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn VN – trong công văn gửi Ban Tuyên giáo trung ương thì khẳng định: Ban thường vụ Hội Nhà văn VN khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc…

Thế nhưng, để rộng đường trao đổi chuyên môn, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai vẫn tổ chức cuộc đối thoại xung quanh bài thơ trên trong hơn bốn giờ (từ 13g30 đến hơn 17g30). Quan tâm đến số phận một bài thơ, phóng viên xin được tham dự cuộc đối thoại này nhưng ông Huỳnh Văn Tới nêu lý do cuộc họp mang tính chất nội bộ. Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp, khi được hỏi việc tổ chức họp, đối thoại xung quanh một bài thơ hay một tác phẩm văn học có phải là sinh hoạt thường xuyên của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai hay không, ông Tới trả lời rằng sở dĩ có cuộc họp này vì Hội VHNT Ðồng Nai đã không làm tròn trách nhiệm. Hơn nữa, đồng chí Ðàm Chu Văn là chuyên viên cao cấp của Ban tuyên giáo, nên khi có đơn phản ảnh về một số câu chữ trong bài thơ của đồng chí có vấn đề thì chúng tôi phải xem xét. Chúng tôi chọn hình thức đối thoại để mọi người nêu ý kiến. Hiện chúng tôi không kết luận, cũng không đưa ra hình thức kỷ luật hay phê bình nào cả. Nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm của ba phía: tác giả, Hội VHNT và cả cá nhân tôi nữa – ông Tới nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc họp, nhà thơ Ðàm Chu Văn bước ra với gương mặt bơ phờ, rồi thoắt cái biến mất. Khi liên lạc với ông thì biết ông đã về nhà. Qua điện thoại, nhà thơ tâm sự: Thật là đáng sợ khi một người làm thơ phải ngồi giải thích mình làm bài thơ này là ý nói cái gì, câu thơ này mang ý nghĩa gì. Nhà thơ có quyền từ chối điều đó, nhưng tôi đã chịu đựng trong cuộc gọi là đối thoại này vì tôi nghĩ mình trong sáng, chân thành. Nghe chuyện này chắc bạn nào mới làm thơ phải khiếp vía. Nhưng tôi, một người làm thơ lâu năm, tuổi đời từng trải, tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục làm thơ thôi.

 TRẦN NHÃ THỤY

 

Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân

 

Tuổi ta nhiều hơn tuổi các ủy ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những tòa nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa…

Sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
ta nghiêng vào sóng nước
nước tràn lên ta vô tận thời gian
nghiêng vào mênh mang
mênh mang nói với ta bằng lời của nắng
thuở nai, mễn đàn đàn ran suối vắng
“tác…tác…” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi
lặng như cây cũng muốn góp lời
có một cánh bướm trắng đang đậu trên ngực ta vụng dại và tin cậy

Một sớm mai thức dậy
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
bằng bản lĩnh của loài tứ thiết
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao…

Ta phải nghe những mặn nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn
nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận…
những thánh nhân bên cạnh những tầm thường
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng.

ĐÀM CHU VĂN

(Nguồn: báo Văn Nghệ ngày 16-4-2011)

 
 

Nhãn:

Khúc tình Huế (NS: Lê An Tuyên-Thơ: Nguyễn Văn Cao-CS: Anh Thơ)

 

Nhãn: ,

Thơ “nhập đồng”?

Thơ “nhập đồng”?

 

Dàn “tụng ca”

 

Hơn 10 năm trước, ở vùng cực nam của đất nước bỗng nổi lên tên tuổi của nhà thơ Hùng Anh. Hồi ấy, cùng với việc được đọc một số bài vở người ta sản xuất để tán dương nhà thơ này, tôi còn được xem trên vô tuyến truyền hình cảnh nhà thơ ngồi thuyền lướt sóng và… hát cải lương! Vậy mà đúng vào lúc nhà thơ đang “lên hương” trên thi đàn thì ông “xộ khám”, và từ đó tên tuổi của ông cũng mất hút luôn. Chỉ thương cho 1 tuyển tập thơ phải xé mất mấy trang đầu, vì xếp theo vần tên tác giả thì tác phẩm ông chỉ in sau “lời giới thiệu”!

 

Cũng khoảng thời gian này, thi đàn còn rộ lên lời tán dương thơ của Nguyên Linh- 1 vị Thứ trưởng. Có người viết báo kể rằng đã gặp ở sân bay Nội Bài 1 người Việt ở nước ngoài mua cả trăm tập thơ của vị Thứ trưởng, về cho con cháu đọc để đừng quên quê hương. Rồi có người đưa tôi hơn 10 tập thơ của ông kèm theo lời mời đến rừng Cúc Phương đốt lửa trại để bình thơ. Và tôi từ chối, vì không có ý định tham gia vào một dàn tụng ca. Sau đó trong 1 bài viết, tôi đặt câu hỏi: “Không biết đến khi ông Nguyên Linh về hưu thì người ta có ca ngợi thơ ông nữa không?”. Câu trả lời đã có ngay sau khi vụ án Lã Thị Kim Oanh kết thúc. Ông Thứ trưởng rời nhiệm sở, cũng từ đó, chẳng còn mấy ai nhắc tới thơ ông! Viết đến đây, tôi lại nhớ ngày nhà thơ Vũ Duy Thông còn làm Vụ trưởng Vụ Báo chí. Ngoài việc in thơ quanh năm, mỗi độ tết đến xuân về là thơ ông lại tràn ngập trên báo tết.

Ngày đó trong 1 bài viết, tôi nhận xét cứ sau mỗi dịp tết là ông Vũ Duy Thông có thể in 1 tập thơ dày, và tôi đặt câu hỏi: Rồi đây, khi ông không còn đương chức, thì có báo nào in thơ Tết cho ông nữa không? Câu trả lời chẳng phải tìm đâu xa, mấy năm nay, lật các trang báo tết, tôi thấy vắng bóng thơ của Vũ Duy Thông!

Liệt kê mấy sự kiện như vậy vì qua đó tôi muốn nói rằng lâu nay, hễ thấy có sự ồn ào tán dương thơ của một tác giảnào đó là tôi lại nhắc mình cần tỉnh táo để không bị cuốn vào sự ồn ào của mấy điều trong thơ, ngoài thơ. Với Hoàng Quang Thuận cũng vậy, cùng với thơ của ông, tôi còn quan tâm tới vài điều “thần bí” mà tác giả cùng một vài người đã xây dựng xung quanh sự ra đời của những bài thơ. Chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi nhà thơ Dương Kỳ Anh đăng bàiNgười có thơ gửi dự giải Nobel văn học trên báo Tiền Phong. Đọc bài này tôi nghĩ, tác giả gửi tác phẩm dự giải là chuyện bình thường, ai hứng chí và tự tin về thơ của mình đều có thể gửi, vậy có gì đáng phải quảng bá. Chẳng nhẽ một người làm thơ trở nên nổi tiếng chỉ vì đã gửi tác phẩm dự giải Nobel?

Về những điều “trong thơ”

Dù chưa có may mắn được đọc toàn bộ các bài thơ do Hoàng Quang Thuận sáng tác, chỉ căn cứ vào những bài đã đọc và qua những nhan đề tỷ như: Tháp Báo thiên, Thành cổ, Cung điện triều Đinh, Cố đô Hoa Lư, Trăng Yên Tử, Đền Phủ Khống, Chùa bà Ngô, Danh sơn Yên Tử,… tôi vẫn xin nói ngay rằng, đó là mấy bài “thi ký” rất yếu về ý tưởng lẫn cách thức tổ chức bài thơ, cách thức sử dụng ngôn từ… Nếu thực sự “tiền nhân mượn bút” của Hoàng Quang Thuận để “viết thơ” thì xem ra thơ của “tiền nhân” đã sa sút đến mức thê thảm!Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép 2 bài tứ tuyệt thành 1 bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý tứ khôi hài. Ví như: “Hoa Lư kinh thành của Đế vương/ Mây bay phủ núi lụy biên cương/ Hoàng Long dậy sóng ngàn năm ngủ/ Long Mã truy phong thượng đạo đường”. Tôi nói là khôi hài vì không hiểu tại sao hình ảnh “biên cương” lại xuất hiện ở Hoa Lư, chẳng lẽ nước ta thời Đinh Tiên Hoàng lại… bé xíu như thế? Tương tự, đọc khổ thơ: “Dựng xây cung điện đế triều nghi/ Định đế xưng vương lập thành trì/ Đại Hoàng cổ Việt Trương Yên phủ/ Hào sâu núi hiểm bất khả tri” tôi thấy buồn cười, vì tôi không biết “đế triều nghi” là cái món gì, càng không hiểu tại sao lại “bất khả tri” (không thể biết)?Tôi nghĩ, chính thao tác ép vần đã đưa tới sự khôi hài này, vì thế tôi xin được ngả mũ trước điều 1 tác giả viết: “Với một nghệ thuật Đường thi trác việt như vậy, nó đã đủ đưa Hoa Lư thi tập vào với cõi lòng độc giả”. Với các bài thơ chưa đúng niêm luật, lại sáng tác từ cuối thế kỷ XX đến nay mà được gọi là “nghệ thuật Đường thi trác việt” thì đúng là hết thuốc chữa!

Nhân đây, cũng xin đề nghị ai đó thử tìm ra cái hay, cái nên thơ trong 1 khổ thơ của Hoàng Quang Thuận: “Bậc đá làm thang giỏi thợ trời / Đá hình cá sấu nằm chơi vơi / Cá voi, ếch ộp, thờn bơn dẹt / Biển cả – đại dương giữa lưng trời”! Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là kết luận của một số tác giả phát hiện từ thơ của Hoàng Quang Thuận. Đó là “chất thiền”, là “không gian thơ thiền”, “sự kết nối thơ thiền xưa và nay”, “hơi thở của thiền học đã thấm nhuần vào cảm hứng trinh nguyên”…

Tôi coi đây là gán ghép khiên cưỡng, là sự đánh đồng kỳ quặc giữa cảm quan Phật giáo trong một số bài thơ của Hoàng Quang Thuận với thơ Thiền. Tôi đồ rằng khi viết ra điều đó, người viết cũng chưa hiểu Thiền là gì, thơ Thiền là gì. Tỷ như khi tôi đọc xuôi rồi lại đọc ngược bài Chất “thiền” trong thơ Hoàng Quang Thuận mà tuyệt nhiên không thấy bất kỳ 1 câu chữ nào chứng tỏ đâu là “chất thiền” trong thơ của Hoàng Quang Thuận.

Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc,… là bài thơ sẽ có “chất thiền”. Xin hãy hiểu rành rẽ về Thiền và thơ Thiền rồi hãy viết, kẻo lại rơi vào cảnh ngộ “vẽ rắn thêm chân”!

Trong trả lời phỏng vấn nhan đề GS Hoàng Quang Thuận: “Tiền nhân mượn bút tôi viết thơ” đăng trên eVan, khi được hỏi: “Nhiều nhà phê bình gọi thơ ông là thơ Thiền. Thế nhưng với người bình thường đọc qua sẽ thấy giống như thể thơ du ký, thơ tức cảnh sinh tình xuất hiện khá nhiều trong đời sống văn học hiện nay. Ông thấy thơ mình khác với nhữngbài “thơ du ký” ở điểm gì?”. Ông Hoàng Quang Thuận trả lời: “Những bài thơ du ký là bài thơ làm về con người thực, địa danh thực do họ nhìn thấy, cảm thấy, còn tôi du ký trong 1 đêm sương gió, trong 1 đêm huyền ảo, du ký trong tâm tưởng”. Quá hay nếu đúng như vậy, nhưng tiếc là, dù tác giả có “tô son” cho thơ mình thế nào thì các địa danh thực trong nhan đề các bài thơ, tự chúng đã cho thấy chất “thi ký, tức cảnh sinh tình”, mà tình cũng đâu có gì sâu sắc. Điều này, dẫn tôi tới vấn đề thứ 2 của thơ Hoàng Quang Thuận.

Về những điều “ngoài thơ”

Tôi không rõ Hoàng Quang Thuận được khai tâm – hoằng pháp từ khi nào, song căn cứ vào những gì ông kể thì xem ra, sự “đốn ngộ” của ông đã nhanh chóng thấu đến cõi của “tiền nhân”. Chẳng thế mà hàng trăm năm nay, “tiền nhân” không chọn ai, lại chọn đúng 1 ông Giáo sư- Tiến sĩ để “giáng bút”. Và tôi kinh ngạc vì thấy vào thời buổi văn minh phát triển như ngày nay, 1 GSTS lại có thể kể một cách rất tự tin về 1 câu chuyện nhuốm màu hoang đường không khác gì điều kỳ bí của mấy ông bà “thần lô, thánh đề”.

Chuyện của GS TS Hoàng Quang Thuận còn được phụ họa cứ như là truyền kỳ: “Ngay bìa cuốn sách độc bản này cũng thật lạ. Trong lúc kiếm tìm khắp nơi, tôi vẫn không tìm được chất liệu thích hợp để làm bìa sách, thì một người bạn khoe có miếng gỗ loại đó nằm trong kho suốt 22 năm nay, kích thước lại vừa đúng kích thước tôi cần.Mừng quá, y như là sự sắp đặt của ông trời! Lại nữa, sau khi cất công tìm kiếm được một nơi xén sách cỡ đại, chúng tôi đưa bộ sách lên xe bò để đi xén thì trời bỗng nổi giông và mây đen. Sợ quá, vợ tôi liền kêu 1 xe ô tô 7 chỗ để chở và kỳ lạ thay khi chuyển sách từ xe bò sang ô tô thì mây tan, trời bừng sáng lên”. Nếu thực sự là một nhà khoa học, ông Hoàng Quang Thuận cần thực chứng về câu chuyện của mình.

Kể cũng lạ, không biết tại sao trong khi tự gửi tác phẩm dự giải Nobel, tự đề cử tác phẩm vào Danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, GSTS Hoàng Quang Thuận lại không gửi tác phẩm tham dự kỷ lục Guinness ở mục người làm thơ nhanh nhất thế giới? Chẳng lẽ ông e ngại ở đó người ta không tin có người trong thời gian hơn 4 giờ đồng hồ lại viết được tới 121 bài thơ, tức là chỉ mất có 2 phút để viết 1 bài? Tôi nghĩ, không chỉ với một ông GSTS, mà bất kỳ người nào bỗng dưng khoái lập kỷ lục về thơ cũng sẽ hành xử như vậy. Logic tất yếu của kỷ lục là sử dụng thủ pháp “thần linh mách bảo”!

Riêng câu chuyện kỳ bí về con rắn “trên đầu có chiếc mào màu đỏ” vì được ông phóng sinh đã “ngỏng cao đầu gật 3 cái như chào trước khi bò vào rừng”, rồi ngay sau đó trong 3 đêm ông viết được 143 bài thơ thì xin miễn bàn. Vì theo tôi, đây là câu chuyện nằm ngoài phạm vi hoạt động của các trí tuệ tỉnh táo.

Bắt chước ông, và cũng muốn chứng minh bài viết này là xác đáng và cần thiết, tôi mạn phép được bịa ra rằng, đêm qua trong giấc mơ, “tiền nhân” đã hiện lên và bảo tôi: “Này Nguyễn Hòa con ơi, con cần phải viết ngay một bài về “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”. Chớ để hậu thế làm hỏng thơ ta”! Tôi nghĩ, phải là người tự tin lắm GSTS Hoàng Quang Thuận mới có thể tự gửi tác phẩm dự giải Nobel, rồi tự đề cử tác phẩm vào Danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới. Hẳn cũng là một tín đồ Narcissisme có hạng nên ông Hoàng Quang Thuận mới có đủ bản lĩnh để sản xuất một tập thơ nặng 54 kg được báo chí mệnh danh là “sản phẩm văn hóa có giá trị lịch sử” để đặt tại Bảo tàng Hà Nội đang trống huơ trống hoác!

Tuy nhiên, dù tác giả có kể những câu chuyện kỳ bí và cố gắng quảng bá thơ mình, dù bài viết của các ông Dương Kỳ Anh, Ngô Văn Phú, Trần Thế Tuyển,… sâu sắc đến đâu, dù không biết “tiền nhân” đã “mượn bút” GSTS Hoàng Quang Thuận để “viết thơ” là Hùng Vương, là Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông hay là các cụ Vạn Hạnh, Mãn Giác, Tuệ Trung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… thì rốt cuộc, văn bản thơ của Hoàng Quang Thuận vẫn là cơ sở cuối cùng để đánh giá.

Từ phương diện này mà nói, cần ghi nhận GSTS Hoàng Quang Thuận là người chăm chỉ làm thơ. Còn tài năng ư? Trác việt ư? Có lẽ đó không phải những phẩm chất dành cho người làm thơ này.

 

Nguyễn Hòa (Nguồn: http://tuanvietnam.net)

 
 

Nhãn:

Chiếc khăn gió ấm-NS: Nguyễn Văn Chung-CS: Khánh Phương

 

Nhãn: ,

Nhật Ký Của Mẹ-CS: Hiền Thục-NS: Nguyễn Văn Chung-Draw sand painting

 

Nhãn:

Dân Ít-ra-en thờ cúng thần tượng

KTCƯ: 40-Dân Ít-ra-en thờ cúng thần tượng

_MSC_CLICK_TO_OPEN_IMAGE

Dân Ít-ra-en thông dâm cùng con gái Mô-áp
Dân sự ăn của lễ họ mời chào
Trước các thần tượng, họ cũng lạy qùy
Điều họ đã làm, không đẹp lòng Chúa.

Chúa nổi giận, dân chúng bị trừng phạt
Một người Ít-ra-en dẫn con gái Ma-đi-an vào
Thầy Pin-khát cầm gươm đâm chết hai người
Nhờ vậy, chấm dứt tai ương, thảm họa.

Tai vạ đã xảy đến với dân chúng
Vì Đức Chúa Trời là Đấng kỵ tà
Thầy tế lễ Pin-khát chuộc tội cho Ít-ra-en
Dầu vậy, hai ngàn bốn trăm người chêt.

Pin-khát, cháu A-ha-rôn được Chúa Trời ban phước
Cho dòng dõi chức tư tế đời đời
Chúa phán bảo Mô-sê đánh đuổi người Ma-đi-an
Kẻ khiến Ít-ra-en phạm tội thờ thần tượng.

Được Chúa bảo trợ, dân Ít-ra-en chiến thắng
Người Ma-đi-an bị diệt, trừ gái chưa chồng
Họ tẩy uế mọi đồ vật sạch trong
Làm của lễ dâng Chúa để kỷ niệm.

(Dựa theo sách Dân số, sách thứ tư của Mô-sê/25-31/KTCƯ)

10-11-2002/Trần Kim Lan
 

 

Nhãn: , ,

Tình yêu với người Chiến sĩ – NS Ngọc Khuê – CS Mai Trang.flv

 

Nhãn: ,

Rồi một ngày (Nhạc: Ngọc Khuê-Thơ: Trần Kim Lan-CS: Ánh Tuyết)

“Rồi một ngày tình thơ bỏ ngỏ
Có còn chăng chút nắng lắt lay?” (Trần Kim Lan)

 

 

Nhãn: ,